Bài xem nhiều

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Góp phần chống diễn biến hòa bình trong lĩnh vực Quân sự Quốc phòng

    Xem đầy đủ tại: https://quansu.forumvi.com/t1265-topic#1712

PHẦN THỨ NHẤT

BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM


TƯ DUY MỚI CỦA ĐẢNG
VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ "trọng yếu thường xuyên" của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong bối cảnh thế giới, đất nước có nhiều biến động phức tạp và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về nhận thức, quan điểm lý luận, cũng như trong tổ chức hoạt động thực tiễn.


Quá trình đổi mới nhận thức, phát triển tư duy cũng chính là quá trình khắc phục những hạn chế của tư duy cũ, đồng thời đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, nhằm khẳng định, bảo vệ và thể hiện rõ hơn những nội dung của tư duy mới. Tư duy mới của Đảng về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới thể hiện cụ thể và sâu sắc trên tất cả những vấn đề cơ bản của sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.


1. Điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong tư duy mới của Đảng ta về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là tư duy mới về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ nhận thức Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thực thể thống nhất về tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, bao gồm toàn bộ các yếu tố địa lý, lãnh thổ, dân cư, các giá trị văn hóa - lịch sử,... và chế độ xã hội chủ nghĩa, Đại hội IX của Đảng đưa ra nội dung toàn diện về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị làn thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX của Đảng đã cụ thể hoá: một là, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; hai là, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ba là, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bốn là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; năm là, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; sáu là, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa1 (Xem: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.45-46).


Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: "Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa và an ninh xã hội...; không để bị động, bất ngờ"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.108-109, 109-110). Đồng thời đưa ra quan điểm: "Coi trọng nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị"2 (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.108-109, 109-110).


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định và chỉ rõ: "Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng. Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta"3 (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81-82).


Nội dung rộng lớn và toàn diện của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới nêu trên chi phối và quy định nội dung tư duy về lực lượng, sức mạnh; về phương thức đấu tranh; về đối tác - đối tượng; và tư duy về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng ta.


Theo tư duy của Đảng, thực chất bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ Tổ quốc trong một chỉnh thể thống nhất: bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tư duy của Đảng thể hiện rõ tính chất toàn diện, thống nhất của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất, không thể tách rời giữa các nội dung trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ nội dung này cũng có nghĩa là góp phần bảo vệ nội dung khác, và ngược lại. Bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn bó chặt chẽ với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng bao hàm cả bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.


Những quan điểm cho rằng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay "chỉ là bảo vệ đất nước, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia", không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng là những quan điểm thù địch, sai trái và phản khoa học. Tính chất thù địch, sai trái và phản khoa học đó thể hiện ở chỗ: thứ nhất, thực chất của những quan điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta, thủ tiêu lực lượng lãnh đạo và chế độ xã hội mà chỉ có nó nhân dân ta mới có được độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự; thứ hai, việc tách rời mặt tự nhiên - lịch sử và mặt chính trị - xã hội là điều không thể được đối với bất cứ tổ quốc nào. Những quan điểm đòi tách rời ra đó thực chất là nhằm hướng tới hủy hoại tính chất xã hội chủ nghĩa của mặt chính trị - xã hội của Tổ quốc Việt Nam, làm cho Tổ quốc Việt Nam của nhân dân ta mang tính chất khác, tính chất tư sản.


Tính chất nguy hiểm của quan điểm này thể hiện ở chỗ, không những nó làm cho chúng ta dễ rơi vào mất cảnh giác, trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc dễ dẫn đến chỉ chú trọng một chiều mặt bảo vệ này mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua mặt bảo vệ khác; mà còn làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa - mục tiêu, lý tưởng do chính lịch sử dân tộc ta, do chính nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và phấn đấu hy sinh với biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam suốt hơn tám thập kỷ qua - trong ý thức của nhân dân và của cả cán bộ, đảng viên. Thực tế, trong chúng ta không phải không có người khi nói đến bảo vệ Tổ quốc là chỉ nói đến bảo vệ đất nước, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, "không nói đến" bảo vệ chế độ; tính từ "xã hội chủ nghĩa" có vẻ như "dị ứng" trong nhận thức, tư tưởng của một số ít người.


Khẳng định sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là thể hiện rõ sự kiên định về con đường và mục tiêu độc lập dần tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong bối cảnh lịch sử mới trong tư duy của Đảng, ở đây cần phải nhận thức rõ thêm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cũng hàm chứa cả việc bảo vệ chế độ và sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng cũng hàm chứa cả việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó phản ánh mối quan hệ, không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa lợi ích của Đảng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Mọi sự tách rời giữa các mặt của các mối quan hệ đó đều là không đúng với bản chất và thực chất của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam từ trước đến nay và từ nay về sau, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vững bước đi tới tương lai. Có giữ vững được độc lập dân tộc thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội; đồng thời chỉ có thể đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì nền độc lập dân tộc mới được bảo đảm vững chắc. Ngày nay, chúng ta nói bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền với bảo vệ chế độ là sự kế thừa, là sự phát triển lôgích và nâng lên tầm cao mới tư tưởng của ông cha ta về bảo vệ "sơn hà" gắn với bảo vệ "xã tắc" trong điều kiện lịch sử mới, điều kiện lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình mới, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vừa là mục tiêu xây dựng vừa là mục tiêu bảo vệ. Đó là một sự biểu đạt mới về bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền với bảo vệ chế độ trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới. Ở đây, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được diễn đạt khác, làm cho các nội dung bảo vệ trở nên rõ ràng và cụ thể hơn, phù hợp và thích ứng hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét